Uống quá nhiều nước không còn tác dụng giúp cơ thể đào thải độc tố mà làm tăng thêm áp lực cho thận, làm loãng chất điện giải, giảm nồng độ natri trong máu.
Tập thể dục vào buổi sáng được coi là thói quen có lợi cho sức khỏe, giúp đánh thức cơ thể, tạo hứng khởi cho ngày mới và có hiệu quả trong việc kiểm soát thèm ăn. Tuy nhiên, nếu bạn cố gắng cắt bớt giờ ngủ để có nhiều thời gian tập luyện hơn vào buổi sáng có thể gây phản tác dụng. Thiếu ngủ có liên quan đến việc tăng cảm giác thèm ăn, dẫn đến việc kiểm soát cân nặng khó hơn và có thể làm bạn thấy uể oải, thiếu tập trung sau giờ tập luyện
Tập luyện chăm chỉ là một trong những yếu tố giúp bạn duy trì sức khỏe thể chất, tinh thần cũng như giữ gìn vóc dáng. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa ngày nào bạn cũng phải vắt kiệt sức lực cho việc vận động thể chất. Tập luyện quá sức có thể khiến tuyến thượng thận mệt mỏi và gây tăng cân, đặc biệt là tích mỡ vùng bụng. Bên cạnh đó, sắp xếp lịch tập luyện, nghỉ ngơi điều độ cũng giúp cơ bắp phục hồi tốt hơn đồng thời giảm nguy cơ chấn thương.
Giấc ngủ là lúc cơ thể tái tạo năng lượng, phục hồi tổn thương từ bên trong cơ thể. Tuy nhiên, khi ngủ quá nhiều cũng gây hại cho cơ thể tương tự như thiếu ngủ. Ngủ quá nhiều làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh mãn tính như bệnh tim mạch, tiểu đường, lo âu và béo phì ở người lớn. Nếu bạn cảm thấy rằng 7-8 giờ ngủ mỗi đêm là chưa đủ hoặc vẫn cảm thấy mệt mỏi sau một đêm ngủ ngon, hãy cân nhắc việc tham khảo ý kiến từ bác sĩ, chuyên gia.
Khác với chất béo bị hydro hóa thường có trong đồ chiên rán, bánh kẹo... chất béo tốt rất cần thiết cho cơ thể. Chúng giúp hấp thụ vitamin, hỗ trợ sự phát triển của tế bào, sản xuất hormone... Loại chất béo này thường có trong phomai, trứng, dầu olive, quả bơ, các loại hạt... Khi kiêng khem quá khắt khe chất béo có thể vô tình làm thiếu hụt cả chất béo tốt dễ khiến bạn cảm thấy uể oải, nhanh đói, đau mỏi xương khớp.
Nhiều người có thói quen bỏ lòng đỏ khi ăn trứng gà. Tuy nhiên, đây lại là phần rất bổ dưỡng, chứa lượng vitamin, protein cao. Lòng đỏ trứng gà còn chứa choline - một chất dinh dưỡng quý tham gia vào quá trình tạo màng tế bào và cần thiết cho sức khỏe não bộ. Khi tiêu thụ trứng với số lượng hợp lý, phù hợp với cơ địa còn có tác dụng giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tăng mức cholesterol tốt trong cơ thể.
Ăn nhiều rau là thói quen tốt có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, hãy cân bằng giữa chất xơ và protein bởi nếu chỉ ăn rau và để thiếu hụt protein, cơ thể sẽ có xu hướng nhanh đói, thèm ăn hơn. Protein cũng đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe. Khi thiếu hụt protein, cơ thể có xu hướng lỏng lẻo do khối lượng cơ bắp giảm, hệ miễn dịch cũng suy yếu, tóc và móng kém phát triển. Chế độ ăn giàu protein có liên quan đến việc tăng cường trao đổi chất đồng thời làm giảm cảm giác thèm ăn. Nếu theo đuổi chế độ ăn chay, bạn nên tăng cường các loại hạt như đậu nành, hạnh nhân, nấm... để đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể.
Nước chiếm phần lớn trọng lượng cơ thể và đóng vai trò rất quan trọng. Không uống đủ nước có thể ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng uống quá nhiều cũng có thể gây hại cho cơ thể. Thừa nước khiến muối và các chất điện giải khác trong cơ thể trở nên quá loãng, làm ảnh hưởng đến các chức năng của cơ thể, tạo gánh nặng cho thận. Bên cạnh đó, uống nước liên tục sẽ làm giảm nồng độ natri trong máu, có thể khiến các tế bào của cơ thể sưng phù, bao gồm cả các tế bào não. Uống từ 1,5-2 lít nước trong ngày được cho là mức an toàn, giúp ích cho cơ thể.