Nhiều người có thói quen bỏ vỏ và hạt cà chua khi nấu vì sợ có nguy cơ ngộ độc, nhưng việc này liệu có cần thiết?
Cà chua khi chín thường có màu đỏ, được dùng kết hợp với nhiều nguyên liệu để chế biến món ăn. Trong loại quả này có nhiều vitamin, khoáng chất và các loại dưỡng chất quan trọng bao gồm vitamin A, vitamin C và vitamin K vitamin B6, folate và thiamin. Ngoài ra, chúng còn là nguồn thực phẩm giàu kali, mangan, magiê, can xi, phốt pho và đồng, chất xơ và protein.
Khi chế biến món ăn, một số người có thói quen bóc vỏ, bỏ hạt cà chua.
Liệu có nên ăn cả vỏ và hạt cà chua?
Theo chuyên gia, vỏ cà chua có chứa nhiều chất chống oxy hóa mạnh với công dụng ngăn chặn tế bào K. Vậy nên mọi người hoàn có thể sử dụng được cả vỏ chứ không cần phải bỏ đi.
PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh (Chuyên gia về Công nghệ sinh học và Thực phẩm) cho hay: "Việc ăn cà chua cả vỏ bị ngộ độc vẫn có thể xảy ra trong một số trường hợp. Song, đó là khi quả cà chua bị tồn dư hóa chất bảo quản, mọi người ăn sống ngay mà chưa kịp rửa nên bị nhiễm hóa chất. Còn bản chất vỏ cà chua không có chứa chất độc đến mức ăn vào gây ngộ độc với con người".
Còn về việc ăn hạt cà chua, chuyên gia nói: "Từ xưa tới nay, mọi người vẫn nấu cả vỏ, cả hạt rồi ăn cũng không thấy ai bị sao cả. Bản thân hạt cà chua thì không có quá nhiều dinh dưỡng. Thế nhưng khi chúng ta bổ quả cà chua rồi bỏ hạt đi thì phần thịt, nước bên trong bị rơi rớt đi nhiều. Vì thế, mọi người thường ăn cả hạt. Hạt cà chua khi vào hệ tiêu hóa sẽ khó phân hủy, thường sẽ lẫn chất cặn bã và đào thải ra ngoài".