Ăn vặt vào khung giờ khoa học cũng như chọn loại thực phẩm lành mạnh giúp bạn duy trì năng lượng, kiểm soát lượng đồ ăn tiêu thụ trong các bữa ăn chính hiệu quả hơn.
Ăn vặt thường được cho là một trong những thói quen xấu, dễ gây tăng cân. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng khi bạn ăn những món kém lành mạnh, có lượng calo cao như bánh kẹo, nước ngọt, đồ chiên rán... Ngược lại, ăn vặt lành mạnh, khoa học còn có thể giúp bạn thúc đẩy trao đổi chất, bổ sung dinh dưỡng và kiểm soát thèm ăn tốt hơn.
Cà rốt, cần tây, dưa leo... chấm sốt hummus hay bơ lạc là món ăn nhẹ ít calo lại cung cấp nhiều dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.
Hầu hết các chuyên gia dinh dưỡng, huấn luyện viên thể hình đều khuyến khích lựa chọn thực phẩm tự nhiên như trái cây tươi, rau củ, các loại hạt cho bữa ăn nhẹ bởi chúng có lượng calo vừa phải, giàu chất xơ nên giúp nhanh no bụng. Bạn có thể tham khảo ba gợi ý bữa ăn nhẹ sau:
1. Một quả táo nhỏ hoặc một quả chuối + một nắm nhỏ hạt điều hoặc hạnh nhân hoặc macca... không tẩm ướp gia vị.
2. Một hộp nhỏ sữa chua Hy Lạp ăn kèm granola và trái cây tươi.
3. Vài lát bánh quy giòn ăn kèm bơ đậu phộng (nên ưu tiên loại tự làm, ít gia vị, chất bảo quản nhất có thể).
Trường hợp bạn không có đủ thời gian để chuẩn bị, nếu phải tiêu thụ thực phẩm đóng gói, hãy hình thành thói quen đọc nhãn dán để kiểm tra lượng calo đồng thời nên đảm bảo chọn loại thực phẩm có ít hơn 10 g đường.
Món ăn vặt dù lành mạnh đến đâu cũng không nên ăn quá nhiều.
Bên cạnh việc lựa chọn đồ ăn vặt phù hợp, thời điểm ăn cũng có vai trò quan trọng. Thời điểm lý tưởng là khoảng cách giữa bữa sáng với bữa trưa và đầu giờ chiều. Ăn vặt khoa học sẽ giúp bạn kiểm soát lượng đồ ăn tiêu thụ trong các bữa chính hiệu quả, giảm tình trạng no dồn đói góp và cũng hạn chế bớt áp lực cho các cơ quan tiêu hóa.