Chuối, trứng, hành, tỏi, rau xanh, cà chua... đều trở nên bổ dưỡng hơn nếu bạn biết chế biến đúng cách.
1. Chuối
Chuối chứa nhiều dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe như vitamin B, C, magiê và kali. Một phần những chất này lại nằm ở phần xơ chuối bám vào thân quả khi chúng ta bóc chuối. Chúng có tác dụng phân phối nước và chất dinh dưỡng khắp quả, ngoài ra còn chứa chất xơ, bổ sung tuyệt vời cho bữa ăn hàng ngày của bạn. Do đó, khi ăn chuối không nên bỏ phần này đi
2. Cà chua
Hầu hết mọi trái cây đều tốt hơn khi ăn tươi nhưng điều này không đúng với cà chua. Cà chua nấu chín giải phóng nhiều chất chống oxy hóa, chống ung thư hơn cà chua sống. Tác động nhiệt gây ra quá trình vỡ của thành tế bào, giúp những chất dinh dưỡng này hấp thu dễ hơn vào cơ thể. Bạn có thể nấu canh cà chua hoặc làm nước sốt sẽ rất hiệu quả.
3. Củ dền
Ở Việt Nam, chúng ta thường ăn củ dền và vứt bỏ phần lá. Còn ở phương Tây thì ngược lại, họ thường ăn lá và vứt bỏ phần củ. Trên thực tế, cả hai phần đều bổ dưỡng. Củ dền cung cấp một lượng glutamine, một loại axit đặc biệt giúp chữa lành vết thương. Trong khi đó, lá củ dền rất giàu vitamin A, C, và K. Cách chế biến phù hợp là có thể xào và ăn chung với các loại rau cải khác. Như vậy, bạn có thể ăn "từ đầu đến cuối" đối với loại củ này.
4. Khoai tây
Khoai tây thường được rửa sạch, gọt vỏ nhưng việc ăn cả vỏ giúp cơ thể hấp thu nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất hơn. Trong đó, vitamin C, một số vitamin B, sắt, canxi và kali nằm ở vỏ, cung cấp cho bạn năng lượng, giảm căng thẳng và có lợi cho xương và tiêu hóa. Cách tốt nhất để chế biến là rửa sạch và nướng cả vỏ.
5. Táo và cam
Tương tự khoai tây, vỏ táo và cam cũng chứa nhiều chất dinh dưỡng mà ta không nên bỏ phí. Vỏ táo có chứa chất chống oxy hóa, quercetin, có tác dụng kỳ diệu đối với tim và não của bạn. Vỏ cam có các hợp chất gọi là flavon, giúp giảm cholesterol và bảo vệ tim mạch.
6. Trứng
Trứng dễ tiêu hóa hơn khi được nấu chín nhưng nhiệt độ cao có thể làm hỏng một số chất dinh dưỡng bên trong. Ví dụ, chiên và luộc trứng chín kỹ làm giảm số lượng chất chống oxy hóa có trong trứng và tăng cholesterol. Tốt nhất là bạn nên luộc chín trứng ở mức độ vừa phải, hơi lòng đào, không nên luộc quá kỹ.
7. Hành tỏi
Việc đập và băm nhỏ hành tây và tỏi sẽ giải phóng alliinase, một loại enzyme giúp tạo ra chất dinh dưỡng gọi là allicin. Allicin giúp tạo ra các hợp chất khác giúp chống lại bệnh tật. Ngoài ra, cả hành và tỏi đều chứa lưu huỳnh, hợp chất tốt với các loại thực phẩm giàu sắt và kẽm, như gà tây, thịt bò và gan. Do đó, bạn nên thái và băm nhỏ các nguyên liệu này thay vì ăn cả củ.
8. Ngũ cốc và đậu
Các hợp chất tự nhiên trong ngũ cốc và đậu có thể gây khó tiêu. Thậm chí với loại đậu tây (đậu thận), nếu không được ngâm và luộc chín, chúng có thể gây ra nôn mửa. Khi ngâm đậu và ngũ cốc trước khi nấu, bạn có thể làm giảm lượng hợp chất này, giúp việc tiêu hóa dễ dàng hơn. Nó cũng giúp bạn hấp thụ tốt hơn các khoáng chất như sắt, canxi và kẽm khi ngâm các nguyên liệu này với nước ấm.
9. Rau xanh
Hầu hết các loại rau xanh đều nên được ăn sống như bông cải xanh, bơ, rau bina... Các chất dinh dưỡng rất dễ bị hòa tan trong nước và giảm dinh dưỡng nếu chịu tác dụng nhiệt. Nhiệt độ cao làm hỏng vitamin C, folate và vitamin B1 và B5. Ví dụ, rau bina sống có lượng vitamin C gấp 3 lần so với rau bina nấu chín. Nếu bạn gặp vấn đề khi ăn đồ sống, bạn có thể thử nấu chín ở nhiệt độ thấp, không để rau tiếp xúc với nhiều nước hay hấp cách thủy cũng là một cách hay.